DANTRI : GÓI 30.000 TỶ ĐỒNG : CẦN CÁI KẾT “CÓ HẬU”!!

“Gói 30.000 tỷ đồng là chính sách an cư, được dư luận đánh giá rất cao, đặc biệt nó mang tính nhân văn của Nhà nước. Vì vậy, việc bắt đầu chính sách, thực thi rồi đến kết thúc chính sách cần “có hậu”, “hợp lòng dân”.

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong trường hợp hết ngày 1/6/2016 gói 30.000 tỷ đồng chưa được giải ngân hết, sẽ tiếp tục giải ngân đến khi nào hết gói 30.000 tỷ đồng. Hiện, theo NHNN, tiến độ giải ngân gói này đã đạt 21.300 tỷ đồng, chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng.

Cần cái kết có hậu cho gói 30.000 tỷ đồng

Bên lề Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016” được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 23/3/2016, GS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Chúng tôi cùng giới chuyên gia đánh giá cao những thay đổi này bởi nó hợp với quy luật của thị trường và lắng nghe thị trường”.

goi-30000-ty-dong-can-co-cai-ket-co-hau

Tuy nhiên, ông Võ nhấn mạnh: “Gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng là chính sách an cư, được dư luận đánh giá rất cao, đặc biệt nó mang tính nhân văn của Nhà nước. Vì vậy, việc bắt đầu chính sách, thực thi rồi đến kết thúc chính sách cần có hậu, hợp lòng dân, đúng với tôn chỉ khi Chính phủ xây dựng ra gói tín dụng hỗ trợ này”.

Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang phụ thuộc lớn vào 2 dòng vốn: tín dụng của hệ thống ngân hàng và vốn tự có của doanh nghiệp (DN) kết hợp vốn góp của người mua nhà.

Chính vì vậy, một chính sách tín dụng cho BĐS thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và lĩnh vực. Chính vì thế, mỗi chính sách đưa ra, NHNN nên cân nhắc đến những ảnh hưởng, tác động và hệ quả.

Theo ông Võ, thời gian gần đây thị trường BĐS, DN và người mua nhà ở xã hội, thu nhập thấp cực kỳ hoang mang trước nhiều luồng thông tin như hết hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng ngày (1/6/2016), người dân có ký hợp đồng vay tiền mua nhà nhưng chưa được giải ngân sẽ chịu lãi suất vay thương mại theo Thông tư 11/2013.TT – NHNN. Thêm nữa, Thông tư 36 của NHNN có nhiều chi tiết siết chặt hoạt động tín dụng cho vay BĐS của hệ thống ngân hàng thương mại… Những thông tin nhiều chiều khiến dư luận và người dân đang rất lo lắng.

“Chúng tôi đề nghị người dân bình tĩnh trước thông tin để tránh bị ảnh hưởng của trò chơi chính sách gây thiệt hại. Các ngân hàng, chủ đầu tư nên thông tin đầy đủ đến cho người dân hiểu các chính sách liên quan đến nhà ở thương mại, căn hộ bình dân”, ông Võ khuyến cáo.

Về một số thông tin tăng lãi suất vay gói 30.000 tỷ đồng sau khi hết hạn từ 1/6/2016, ông Võ bình luận: Về luật ,người dân vẫn được quyền vay lãi suất ưu đãi trong thời hạn 15 năm, điều này được cụ thể hóa trong Thông tư số 32 sửa đổi và Thông tư 11 của NHNN áp dụng cho người mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Cụ thể, ông Võ dẫn chứng: “Tại Điều 5,của Thông tư 11 nêu rõ, lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2013 là 6,5% (nay lãi suất 5%). Cứ đến tháng 12 hằng năm, NHNN sẽ công bố mức lãi suất bằng 1 nửa lãi suất vay thương mại, nhưng không vượt quá 6%. Đây là quy định để đảm bảo, người vay tiền được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian giải ngân”.

Thông tư 36, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS

Trao đổi về Thông tư 36 của NHNN, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, siết tín dụng BĐS thời điểm hiện nay là vội vàng, bởi nếu tính giai đoạn 2011 – 2015, tín dụng vào BĐS tăng đều đặn và ngành ngân hàng sợ nợ xấu xảy ra nên đưa ra Thông tư 36. Tuy nhiên, nếu so tín dụng năm 2015 với tín dụng năm 2010 thì số tín dụng trong 6 năm qua chỉ tăng 10%, mức rất thấp.

Ông Nam nói: “Năm 2010, tổng dư nợ tín dụng vào ngành bất động sản đạt 360.000 tỷ đồng, đến năm 2015, tổng dư nợ đạt 390.000 tỷ, tăng chỉ 30.000 tỷ đồng, thực chất chỉ tăng chưa đến 10%. Lấy đâu ra nợ xấu, làm gì có tăng trưởng nóng. Trong khi DN, người dân chủ yếu nhờ vốn tín dụng để xây nhà, mua nhà họ cần được đối xử lịch sự, khéo léo”.

Về Thông tư 36, ông Nam khẳnh định việc giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 60% xuống còn 40% là đúng, ông tán thành bởi đây là điều tốt cho hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo không đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, về việc tăng hệ số rủi ro đối với ngành BĐS từ 150% lên 250% (mức cao nhất thế giới) thực sự đây là điều chúng tôi rất sốc và chắc chắn sẽ tác động rất lớn đối với thị trường, người dân.

Ông Nam khẳng định: “Đây là một trong những chính sách sẽ có tác động rất trực tiếp vào thị trường trong thời gian tới, có thể khiến ngành quay trở lại thời kỳ phát triển chậm. Chúng tôi nhận thấy thị trường đang rất ổn định, cung cầu tăng rất bình thường, thậm chí nếu nguồn cung không cẩn thận còn thiếu trong giai đoạn từ nay đến 2021 -2023, chúng ta đang ở trong giai đoạn rất tốt, xét trên mọi khía cạnh như dư nợ, giá cả, công suất… chả có tín hiệu gì là nợ xấu”.

Nguyễn Tuyền

 

Rate this post